Chuyên mua bán, môi giới, cho thuê bất động sản, nhà đất, đất nền, đất dự án, biệt thự tại Tp. Hồ Chí Minh và Toàn Quốc

Khó khăn trong xử lý nợ xấu

20/10/2020 23:34

Ngành ngân hàng đang thực sự “ngấm đòn” từ đại dịch Covid-19 khi tình hình nợ xấu có chiều hướng tăng lên, tuy nhiên, công tác phát mãi tài sản, thu hồi nợ của các ngân hàng lại chưa được suôn sẻ khiến “khó càng chồng khó”.
 

xu ly no xau van kho khan
Ngân hàng vẫn gặp khó khi phát mãi tài sản, thu hồi nợ xấu (Ảnh: S.T)​


Nợ xấu còn tăng

Đã có nhiều ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý II và kết quả kinh tình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020, những báo cáo này đã hé lộ gam màu xám trong bức tranh nợ xấu. Như tại TPBank, tổng nợ xấu từ 1,29% hồi đầu năm lên mức 1,47% vào cuối tháng 6. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) lần lượt tăng 47% và 22% so với cuối năm. Tại Sacombank, nợ cần chú ý tăng tới 63%, trong khi nợ nhóm 3 cũng tăng gần 3 lần. Tinh đến cuối tháng 6, nợ xấu của ACB là 1.918 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm, khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,68%. Tương tự, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Saigonbank cũng tăng từ 1,94% lên 2,27%; VietBank cũng tăng từ 1,32% hồi đầu năm lên 1,88%...
Hiện vẫn còn nhiều ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính cụ thể, nhưng các chuyên gia đều đánh giá, tỷ lệ nợ xấu gia tăng là thực tế với hoàn cảnh kinh tế hiện nay khi các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19. Thậm chí, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực còn nhấn mạnh, nợ xấu sẽ nhìn rõ nhất vào cuối năm bởi tác động của khủng hoảng dịch bệnh có độ trễ, các ngân hàng vẫn tiếp tục cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Hơn nữa, dư nợ được cơ cấu lại vẫn được tính là nợ đạt tiêu chuẩn, ngân hàng chưa chuyển nhóm nợ cũng như chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nên số liệu nợ xấu 6 tháng hiện nay chưa hẳn đã chính xác.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lượng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu lại là rất lớn, nên khi Thông tư 01 hết hiệu lực mà doanh nghiệp vẫn không thể trả được nợ thì nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng mạnh. Do đó, các ngân hàng phải có nguồn lực dự phòng rủi ro cũng như tích cực đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, phát mãi tài sản để giảm thiểu rủi ro.

Cần "luật hóa" Nghị quyết 42

Thực tế nhiều năm nay, câu chuyện về việc xây dựng thị trường mua bán nợ xấu đã được nhắc tới nhiều lần nhưng việc triển khai vẫn còn chậm trễ, do vướng nhiều nguyên nhân. Do đó, các ngân hàng vẫn đang “chật vật” trong công tác bán nợ xấu, phát mãi tài sản để thu hồi vốn. Vấn đề này càng khó khăn hơn khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Như với ngân hàng BIDV, ngân hàng này đã 17 lần bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty Cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn, 29 lần thực hiện bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Cổ phần Thúy Đạt. Không chỉ thực hiện nhiều lần, mà giá trị tài sản cũng được giảm nhiều lần so với giá gốc, như tài sản của Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn còn 800 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỷ đồng so với nợ gốc và lãi. Không chỉ BIDV, mà rất nhiều ngân hàng, thậm chí cả Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng chật vật bán nợ xấu.
Nguyên nhân khiến tài sản khó phát mãi là do các tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản, thiết bị, máy móc, nhưng dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản “đóng băng”, người dân và nhà đầu tư cắt giảm chi tiêu. Ngoài ra, hiện nay Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng dù đã được thực hiện từ năm 2017 những vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là công tác thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm, việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp theo Điều 8 Nghị quyết số 42 khiến khách mua nhụt chí.
Do đó, báo cáo của Agribank cho biết, ngân hàng này có 11 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn được Tòa án thụ lý, song chưa hồ sơ nào được xử lý do Tòa kết luận chưa đủ điều kiện. Tương tự, trong số 12 hồ sơ của BIDV đang được Tòa án xem xét xử lý, thì có 6 hồ sơ đã được trả lời là sẽ chuyển sang xét xử theo thủ tục thông thường. Chính vì thế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thủ tục pháp lý quá phức tạp, vướng mắc nhiều khâu là rào cản chính của thị trường mua bán nợ, nên cần tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy thị trường mua bán nợ được thực hiện thành công. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải “luật hóa” Nghị quyết 42, để các chế tài được rõ ràng, giá trị pháp lý cao hơn.
Tại cuộc họp gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh đã yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát những vướng mắc, để có đề xuất, kiến nghị phù hợp nhằm phối hợp, đồng hành với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai có hiệu quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 trong thời gian tới. Với sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống, ngành Ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu về xử lý nợ xấu nhằm góp phần giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng.
 

Nguồn: Hương Dịu (HQ Online)

bình luận

Facebook
Google +

Tin rao liên quan

BĐS bán
BĐS cho thuê
Tin đã lưu