Chuyên mua bán, môi giới, cho thuê bất động sản, nhà đất, đất nền, đất dự án, biệt thự tại Tp. Hồ Chí Minh và Toàn Quốc

Ngân hàng trước nguy cơ tăng nợ xấu

28/07/2020 02:27

(HNM) - Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn tới nợ xấu của các ngân hàng có nguy cơ tăng. Theo thống kê, khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
 

Để đối phó với nợ xấu gia tăng, các ngân hàng cần chấp nhận giảm lợi nhuận, trích lập dự phòng rủi ro.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cho biết, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có nguy cơ “thổi bay” nỗ lực xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong mấy năm qua. Đáng nói là khác với trước đây, nợ xấu phát sinh thời kỳ này từ cả khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, vì rủi ro khách quan đến từ dịch bệnh. Với mức độ tác động rất lớn, cả khách hàng lẫn ngân hàng không thể chống đỡ, dù hệ thống quản lý rủi ro của ngân hàng khá vững vàng.

Theo Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tiến trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng đang diễn ra khá suôn sẻ. Kết thúc năm 2019, ngành Ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống 1,89%; gộp cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là khoảng 4,65%. Đầu năm 2020, ngành Ngân hàng tự tin với mục tiêu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm. Nhưng với thực tế hiện nay, mục tiêu trên đang được coi là nhiệm vụ đầy khó khăn. Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn tại ngân hàng.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Quốc Hùng cho biết, theo đánh giá sơ bộ, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải, xây dựng, lưu trú, ăn uống, dịch vụ, giáo dục và đào tạo…

Với kịch bản tăng trưởng kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II-2020, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ đã bán cho VAMC) sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020. Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu còn có thể cao hơn nếu doanh nghiệp chậm hồi phục, thị trường xuất khẩu tiếp tục gián đoạn.

Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng Nguyễn Đức Vinh, ngân hàng đã tính toán từ sớm nhiều kịch bản nợ xấu. Theo đó, ước tính sau khi tái cơ cấu các khoản nợ theo quy định, nợ xấu có thể tăng khoảng 0,5-1%. Hiện tại, ngân hàng đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ khách hàng, tái cấu trúc khoản nợ một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Mục tiêu của VPBank là bảo đảm an toàn vốn, tài sản và ổn định nguồn thu cùng với việc triệt để tiết kiệm chi phí...

Để đối phó với tình trạng nợ xấu tăng, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần bưu điện Liên Việt cho rằng, bên cạnh giải pháp cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, các ngân hàng phải nghiêm túc trích lập dự phòng rủi ro, đồng thời siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh nợ xấu phát sinh thêm.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; giảm tối đa chi phí để hỗ trợ giảm lãi suất, đi đôi với chủ động cân đối nguồn vốn đầu tư cho những dự án khả thi. Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, việc hỗ trợ khách hàng vay vốn cũng là hỗ trợ cho chính các tổ chức tín dụng, giúp hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động tốt hơn trong giai đoạn khó khăn.

Theo Đức Anh (Báo Hà Nội Mới)

bình luận

Facebook
Google +

Tin rao liên quan

BĐS bán
BĐS cho thuê
Tin đã lưu