Môi giới càng càng lâu năm, càng có kinh nghiệm thì tỷ lệ “đánh hàng ngoài” càng lớn. Chưa bàn đến pháp lý của những dự án được bán chui, chỉ riêng hành động này, môi giới đã vi phạm cam kết làm nghề. Theo các chuyên gia BĐS, dù có quy định nhưng chế tài không đủ mạnh sẽ chẳng thể quản được tình trạng nhân viên sàn A bán hàng của sàn B, C, D, gây tiềm ẩn rủi ro cho người mua nhà.
Tích cực giao dịch… chui
Tìm đến một sàn BĐS có tiếng tại Hà Nội, PV ngỏ ý muốn tìm mua dự án tại quận Thanh Xuân đang được sàn này rao bán rầm rộ. Ngay lập tức, nhân viên môi giới tên M. được bố trí đến tư vấn. Trong quá trình nhận thông tin hỗ trợ, PV chủ đích chuyển hướng sang một dự án khác tại Nam Từ Liêm thì được M. cho biết: “Tuy sàn em không phân phối dự án này nhưng do có mối quan hệ nên em đang nắm trong tay 5 suất ngoại giao giá tốt. Nếu chị có nhu cầu thì em sẽ dẫn chị đi xem ngay”.
Nhân viên môi giới BĐS giới thiệu cho khách hàng về một dự án nhà ở tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Qua tìm hiểu được biết, thực tế dự án này đang vướng vào mớ hỗn độn GPMB vì người dân chưa chịu bàn giao đất. Bên cạnh đó, dự án này cũng mới bị đình chỉ thi công do thiếu giấy phép xây dựng. Như vậy có nghĩa mọi hoạt động bán – mua dự án trên thị trường là trái luật. Tuy vậy, môi giới tên M. lại khẳng định chắc chắn rằng dự án pháp lý đầy đủ, giá cả ưu đãi. Nếu không xuống tiền đặt cọc ngay là mất suất” (?!).
Khi trao đổi về tình trạng này với lãnh đạo sàn thì nhận được câu trả lời rằng, sàn có gần 2.000 nhân viên và công ty đã có những quy định chặt chẽ về bán hàng, nhưng vẫn xuất hiện đâu đó một số nhân viên bán hàng ngoài. Đối với trường hợp PV phản ánh, phía công ty đã kiểm tra lại và có hình thức kỷ luật đuổi việc nhân viên M. do làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty cũng như lợi ích của khách hàng. Thế nhưng, 2 tuần trôi qua, môi giới M. vẫn chủ động hẹn gặp PV tại sàn như chưa hề có quyết định… thôi việc. "Cò" nhà đất này còn nhiệt tình giới thiệu vừa có mối tại 3 dự án mà anh chị quan tâm ở những căn tầng đẹp trong khung giá 15 triệu đồng/m2.
Theo chia sẻ của một môi giới BĐS lâu năm tên B., mỗi sàn chỉ phân phối một vài dự án nhưng nhân viên kinh doanh có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nên mức độ cạnh tranh vô cùng kinh khủng. Bởi vậy, việc “đánh hàng ngoài” trong giới này như một cách để tồn tại. Càng những người môi giới lâu năm, có nhiều mối quan hệ thì chuyện bán hàng “chui” càng diễn ra mạnh.
Nắm kẻ có “tóc”
Anh B. cho biết, việc “đánh hàng ngoài” có 2 cách trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, nhân viên làm trực tiếp thường ôm trong tay 8 - 10 dự án để bán chui cho khách hàng có yêu cầu. Còn nhân viên gián tiếp sẽ chuyển khách sang cho đơn vị phân phối chính thức. Cả hai hình thức này đều được hưởng hoa hồng khi giao dịch thành công. Nhưng “đánh hàng ngoài” trực tiếp bao giờ cũng hưởng phần trăm hoa hồng cao hơn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, nhân viên sàn A có thể làm chui cho sàn B và trao đổi, tung hứng dự án cho nhau là chuyện đương nhiên của dân trong nghề. Việc này lãnh đạo sàn không thể kiểm soát được vì số lượng nhân viên quá đông. Thậm chí, một số sàn vì doanh số dù biết cũng lờ đi. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người mua nhà mất tiền oan vì trót đặt cọc mua nhà tại các dự án “đánh hàng ngoài”, yếu pháp lý của các "cò" nhà đất. Khi ra khiếu nại, kiện tụng, môi giới đã kịp cao chạy xa bay, còn sàn chủ quản cũng phủi tay bằng cách khẳng định nhân viên này không nằm trong biên chế thì rủi ro khách hàng lại gánh chịu.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Sàn DTJ cho rằng, phải nắm người có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu? Quan trọng là phải có chế tài mạnh như cấm hành nghề hoặc rút giấy phép nếu sàn nào làm sai để răn đe các lãnh đạo sàn xử lý nghiêm việc các nhân viên bán chui những dự án chưa đủ giấy tờ, thủ tục pháp lý.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm nhấn mạnh, pháp luật cũng phải trừng trị luôn cả những nhân viên môi giới giao dịch chui. Bởi hơn ai hết, họ là người thừa biết tình trạng dự án như thế nào mà vẫn cố tình thổi phồng thông tin và đẩy khách hàng vào cảnh "tiền mất tật mang”.
Chuyên gia nhận định: Cẩn trọng không thừa Trao đổi với PV, chuyên gia BĐS Nguyễn Thành Tiến nhận định, việc nhân viên môi giới “đánh hàng ngoài” là điều không quá lạ lẫm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng tựu chung xuất phát từ mục đích lợi nhuận của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận khách quan rằng không phải nhân viên nào “đánh hàng ngoài” cũng là xấu hay lừa đảo khách hàng. Dù vậy, do bán hàng không thuộc công ty phân phối nên bản thân các môi giới đôi khi chưa tường minh về chính dự án đó dẫn đến tình trạng tư vấn không chính xác so với thực tế, thậm chí sai lệch làm nhiễu nguồn thông tin về dự án khách hàng quan tâm, hoặc có thể dẫn đến giao dịch lỡ dở. Việc tách bạch hóa hoạt động kinh doanh của từng sàn môi giới BĐS là điều cần thiết, nhằm tránh tình trạng các nhân viên kinh doanh thuộc sàn này nhưng bán hàng sàn kia. Khách hàng khi khai thác thông tin từ những kênh bán hàng chui nên cẩn trọng trước khi xuống tiền. Đức Dinh ghi |
bình luận