Một quận thương mại trung tâm ở Sydney. Nguồn: AFP/TTXVN |
Knight Frank nhận định, giá nhà đất tại các thành phố trên thế giới sẽ tiếp tục chiều hướng đi lên trong dài hạn.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, 54% dân số thế giới hiện sống tại các thành phố. Ước tính, dân số thành thị toàn cầu tới năm 2045 sẽ tăng thêm 2 tỷ người lên 6 tỷ người, khiến gia tăng sức ép lên giá nhà đất tại các đô thị.
Khảo sát của Knight Frank cho hay, Thâm Quyến, trung tâm công nghệ vốn được mệnh danh là “thung lũng Silicon của Trung Quốc” là thị trường địa ốc có mức giá nhà tăng mạnh nhất trên thế giới, trong năm 2015 tăng gần 50%.
Thủ đô London của Vương quốc Anh đứng thứ 16 trong số các thành phố có giá nhà tăng mạnh nhất trong năm 2015.
Bên cạnh Thâm Quyến, còn có một thành phố nữa của Trung Quốc lọt vào tốp 5 thị trường BĐS có mức giá nhà tăng mạnh nhất trên thế giới là Thượng Hải, bất chấp các thị trường chứng khoán nước này lao dốc trong năm ngoái.
Đứng thứ hai sau Thâm Quyến, TP. Auckland của New Zealand là thị trường BĐS có mức tăng giá nhà là 25,4%. Tiếp sau là TP. Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ và Sydney của Australia, mức tăng lần lượt là 25% và 19,9%.
Với mức tăng giá nhà 16,3% trong năm vừa qua, thủ đô Budapest của Hungary là thị trường nhà đất tăng mạnh nhất trong số các thành phố của nước thành viên Liên minh châu Âu.
Nhưng điều đáng lưu ý trong khảo sát này là các thành phố lớn vốn có mức giá cao lại không nằm tốp đầu các thị trường BĐS có mức tăng giá mạnh nhất.
Trong đó, London đứng thứ 16 và New York (Mỹ) xếp thứ 89 với mức tăng lần lượt 11,4 và 3,3% trong năm 2015.
Trái lại, do tác động của khủng hoảng nợ, 2 thành phố lớn nhất của Hy Lạp là Athens và Thessaloniki nằm trong số 6 thị trường BĐS tăng yếu nhất trong số 165 thành phố nằm trong khảo sát lần này với mức giá nhà giảm lần lượt 4,8% và 5,9.
Thủ đô Rome của Italy cũng nằm trong nhóm các thị trường BĐS có mức giá nhà tăng yếu nhất trong năm 2015.
bình luận