Sau khi vụ bê bối trốn thuế, rửa tiền “Hồ sơ Panama” bị phanh phui, dư luận mới thấy rằng, trước đây đã nhiều lần Hiệp hội Nhà báo Điều tra quốc tế (ICIJ - có trụ sở chính tại Washinton, Mỹ) cảnh báo chính quyền các cấp ở Mỹ về tình trạng rửa tiền thông qua hình thức mua BĐS, thậm chí mua BĐS hạng sang để rửa được nhiều tiền “bẩn”. Tuy nhiên, dường như các cấp chính quyền ở Mỹ vẫn thờ ơ với mối quan ngại này.
Cho đến khi “Hồ sơ Panama” được công bố, các nhà báo điều tra tiếp tục khẳng định giới chức ở các thành phố lớn của Mỹ đã dung túng cho hành vi rửa tiền này thì chính quyền liên bang Mỹ mới bắt đầu lo ngại thị trường BĐS hạng sang ở Mỹ có thể trở thành “cỗ máy” rửa tiền.
Theo điều tra của ICIJ, trong năm 2015, tại TP. Miami (tiểu bang Florida, Đông Nam nước Mỹ) có tới hơn nửa (53%) giao dịch BĐS được thanh toán ngay khi ký hợp đồng mua bán. Có 90% BĐS mới ở Miami được mua bằng tiền mặt. Thống kê cũng cho thấy, chỉ riêng trong quý IV/2015, có 58% giao dịch BĐS với tổng trị giá lên tới hơn 3 triệu USD được thực hiện bởi các Coonh ty trách nhiệm hữu hạn.
Điều tra của ICIJ cho hay, việc mua BĐS hạng sang ở Mỹ chưa bao giờ lại dễ dàng như thế. ICIJ lấy ví dụ, đó là trường hợp của Paulo Octavio Alves Pereira - cựu Chủ tịch TP Brasilia (Thủ đô của Brazil), người đã bị buộc tội tham nhũng vào năm 2012. Song, trong thời gian từ khi bị nghi ngờ, cáo buộc rồi bị điều tra cho đến khi bị đưa ra xét xử và bị kết án, Paulo Octavio Alves Pereira vẫn kịp tậu một căn hộ hạng sang nằm ngay sát bãi biển ở TP. Miami (Mỹ) với giá 2,95 triệu USD. Giao dịch mua bán này được thực hiện bởi Công ty Isaias 21 Property (Công ty nước ngoài có chi nhánh đặt tại Miami), thế nhưng quản lý căn nhà sang trọng này lại thuộc về Công ty Mateus 5 International Holding (có trụ sở tại quần đảo Vierges thuộc Anh). Trên thực tế thì người chủ sở hữu thực sự căn hộ hạng sang trên bãi biển Miami không ai khác chính là Paulo Octavio Alves Pereira.
Cũng theo ICIJ, ví dụ này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm rửa tiền. Đa số những trường hợp muốn rửa tiền đều lựa chọn đối tác tin cậy để giảm thiểu rủi ro nhất cũng như chọn địa điểm rửa tiền ít bị soi mói nhất. Vì vậy, TP. Miami ở miền Nam bang Florida luôn là điểm lựa chọn lý tưởng cho những người muốn rửa tiền. Vì ở đây chẳng ai buồn quan tâm xem họ làm thế nào để có được số tiền lớn như vậy đầu tư vào BĐS tại một trong những thị trường có giá BĐS cao nhất thế giới. Do đó, trung bình cứ 10 người mua BĐS ở Miami thông qua một Công ty nước ngoài, thì có đến một nửa số người liên quan đến bê bối tham nhũng hoặc trốn thuế.
Được biết, Bang Florida không phải là địa điểm duy nhất để rửa tiền thông qua đầu tư BĐS. Thống kê cho thấy, từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2015, đã có hơn 104 tỷ USD được người nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực BĐS, nhiều nhất là người Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Anh và Mexico.
TP. Miami (bang Florida, Mỹ) luôn được coi là địa điểm lý tưởng để cá nhân và tổ chức
nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực BĐS hạng sang. Ảnh: Getty Images/iStockphoto
Ở TP. New York (bang New York, Đông Bắc nước Mỹ), các căn hộ nằm ở gần Công viên Trung tâm (Central Park - công viên công cộng ở trung tâm Manhattan thuộc TP. New York), được rao bán với cái giá cao ngất ngưởng, trong đó có những căn hộ siêu sang được bán với giá hơn 100 triệu USD. Tuy nhiên, 100% những căn hộ siêu sang này đều đã được mua hết bởi các Công ty nước ngoài có chi nhánh nằm rải rác ở một số bang của Mỹ như bang Wyoming, Nam Dakota, Nevada hay bang Delaware.
Chính vì mức giá quá cao nên mới đây, chính quyền liên bang Mỹ đã mở cuộc điều tra về những chủ sở hữu thực sự của các căn hộ siêu sang ở TP. New York. Kết quả điều tra ban đầu cho hay, chủ nhân thực sự của những căn hộ siêu sang đều là những chính trị gia, tỷ phú có mối quan hệ thân thiết với các chính trị gia cao cấp ở nhiều quốc gia khác nhau như Brazil, Nga, Malaysia…
Nhận thấy nguy cơ rửa tiền thông qua đầu tư BĐS hạng sang ngày càng tăng cao, mới đây chính quyền Mỹ đã phải cấp tốc đưa ra quy định mới áp dụng cho 2 thành phố là Miami và New York. Cụ thể, tất cả các Công ty nước ngoài có chi nhánh tại Mỹ khi mua BĐS có giá trị từ 1 triệu USD trở lên tại TP. Miami hoặc 3 triệu USD trở lên tại TP. New York, sẽ buộc phải cung cấp hồ sơ cá nhân của những người sở hữu từ 25% trở lên số vốn của Công ty nước ngoài đó cho chính quyền liên bang. Thực chất, quy định này nhằm “hãm” lại tình trạng đầu cơ mà trên thực tế là hành vi rửa tiền thông qua hình thức đầu tư BĐS hạng sang, siêu sang, trong bối cảnh mà phân khúc thị trường BĐS hạng trung và bình dân ở Mỹ đang có dấu hiệu sụt giảm (giảm 1,1% vào tháng 2 vừa qua).
Ngoài ra, chính quyền liên bang Mỹ cũng yêu cầu các ngân hàng phải gỡ bỏ một phần bảo mật và cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân, sở hữu khối BĐS lớn tại Mỹ. Đây được cho là bước đi khởi đầu cho quá trình minh bạch hóa thị trường BĐS ở Mỹ trong thời gian tới, nhất là ở phân khúc BĐS hạng sang.
Jennifer Shasky Calvery, Trưởng Ban Giám sát của Bộ Tài chính Mỹ khẳng định: "Chúng tôi rất lo ngại dòng tiền “bẩn” sẽ chảy mạnh vào lĩnh vực BĐS hạng sang. Nhằm minh bạch hóa thị trường BĐS Mỹ thì việc đầu tiên là minh bạch hóa người chủ sở hữu đích thực của khối BĐS đó. Chính quyền liên bang sẽ tiếp tục điều tra vào những giao dịch mua bán BĐS bằng tiền mặt hoặc những giao dịch do các Công ty nước ngoài thực hiện. Toàn bộ các dữ liệu, thông tin, có được từ các cuộc điều tra sẽ được lưu trữ tại ngân hàng dữ liệu liên bang để tiện cho việc kiểm soát dòng tiền chảy vào lĩnh vực BĐS ở Mỹ sau này".
BĐS ở Anh cũng là “cỗ máy” rửa tiềnTheo thống kê mới đây của Thời báo Tài chính ở Anh, hơn 122 tỷ bảng Anh đầu tư vào lĩnh vực BĐS tại Anh được thực hiện bởi các Công ty nước ngoài. Đa số các Công ty này đều đặt trụ sở tại các “thiên đường về thuế”, trong đó, 2/3 số Công ty có trụ sở tại quần quần đảo Anglo - Normandes và đảo Vierges (đều thuộc Anh). Đặc biệt, 2/3 số tiền trên được đầu tư tại TP. London.
Điều tra của Thời báo Tài chính Anh cho thấy, có 3 lý do chính để các Công ty nước ngoài đầu tư BĐS tại Anh.
Một là để trốn thuế. Các Công ty này được đặt tại các “thiên đường về thuế” nên không chịu ràng buộc bởi luật thuế và tài chính của Anh.
Hai là để rửa tiền. Những Công ty nước ngoài sẽ giúp cho các cá nhân, tổ chức, dễ dàng rửa tiền bẩn (do hoạt động tội phạm, biển thủ, tham nhũng,…) thông qua đầu tư BĐS tại Anh mà không lo bị truy tìm, vì danh tính của họ được giữ bí mật tuyệt đối, tất cả giao dịch đều do các Công ty “bình phong” thực hiện. Đa số các cá nhân được các Công ty “bình phong” giúp đỡ đều là quan chức cấp cao hoặc tỷ phú ở những quốc gia và vùng lãnh thổ giàu tài nguyên thiên nhiên hoặc mới phát triển.
Ba là để tránh bị truy cứu hình sự. Không ít tổ chức, cá nhân, đã thông qua các Công ty đặt tại các “thiên đường về thuế”, vừa để rửa được tiền “bẩn”, lại vừa để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì khi bị phát hiện thì chỉ có các Công ty “bình phong” đứng ra hứng chịu, và chắc chắn khi đó các Công ty sẽ bỗng dưng biến mất một cách bí ẩn, sẽ rất khó truy tìm do chính quyền của các “thiên đường về thuế” luôn bưng bít mọi thông tin liên quan đến các Công ty này.
|
bình luận